Phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương là gì? Tiêu chí xác định

Phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương là gì? Tiêu chí xác định phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương?

Quá trình toàn cầu hóa đã giúp các doanh nghiệp mở rộng hơn về thị trường sản xuất, kinh doanh ở ngoài nước. Quá trình mua bán hàng hóa quốc tế để đảm bảo hiệu quả pháp lý người ta thường sử dụng hợp đồng thiết lập mối quan hệ ràng buộc- hợp đồng ngoại thương. Nhắc đến hợp đồng ngoại thương, một trong các điều khoản mà cực kỳ quan trọng đó là "phẩm chất của hàng hóa", được hiểu đó là điều khoản về chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, để có cái nhìn sâu rộng hơn về phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương, hãy cùng Luật Dương Gia có những giải thích, phân tích, bình luận trong bài viết dưới đây.

1. Phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương là gì?

Hợp đồng ngoại thương (hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế/hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hoá) là sự thoả thuận giữa những thương nhân có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau, theo đó một bên gọi là bên xuất khẩu (Bên bán) có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho một bên khác gọi là bên nhập khẩu (Bên mua), bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho người bán và nhận hàng theo thoả thuận.

Hợp đồng ngoại thương ghi nhận kết quả của việc giao dịch đàm phán giữa các bên mua và bán, trong đó nội dung của hợp đồng phải thể hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ củ thể của các bên tham gia kí kết. Hợp đồng thể hiện dưới dạng văn bản là hình thức bắt buộc đối với các đơn vị xuất nhập khẩu của nước ta. Với hình thức này, nó bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho các bên mua bán, xác định rõ trách nhiệm của các bên. Hơn nữa, trong kinh doanh thương mại quốc tế có sự khác nhau về ngôn từ, chính trị, luật pháp. tôn giáo, tập quán,….

Để tiếp tục kinh doanh thương mại quốc tế, là một lĩnh vực kinh doanh phức tạp do ảnh hưởng của nhiều nhân tố trong nước và ngoài nước, ảnh hưởng của khả năng thực hiện, thiện chí của các bên tham gia kí kết mà có thể dẫn tới nhiều rủi ro, nhiều tranh chấp xảy ra giữa các bên, khi đó hợp đồng sẽ trở thành một bằng chứng quan trọng để tiến hành giải quyết các tranh chấp về mua bán xảy ra giữa các bên. Ngoài ra, hợp đồng tạo thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra, thống kê việc thực hiện hợp đồng theo quy định chung của quản lý nhà nước.

Phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương là điều khoản nói lên mặt “chất” của hàng hoá được mua bán (đối tượng của hợp đồng), thể hiện các đặc điểm về tính năng, quy cách, kích thước, tác dụng, công suất, hiệu quả,…của hàng hoá đó. Xác định cụ thể quy cách, phẩm chất của sản phẩm là cơ sở để tính giá, cũng là căn cứ để người bán giao hàng cho đúng để được thanh toán. Trong điều khoản cần nêu rõ các phương pháp xác định quy cách, phẩm chất, những tiêu chuẩn mà hàng hoá phải đạt được.

Sự thoả thuận của các bên liên quan đến việc xác định chất lượng hàng hoá kiểm tra chất lượng, bảo hành, quyền và nghĩa vụ của các bên khi hàng hoá không đảm bảo chất lượng đã thoả thuận song sự thoả thuận phải phù hợp với pháp luật của các bên và tập quán quốc tế.

Tìm hiểu về điều khoản này, tác giả nhận thấy rằng, giữa phẩm chất và giá cả có mối quan hệ với nhau, phải thăm dò giá cả và chất lượng thật cụ thể và ghi rõ trong hợp đồng. Không cả tin cũng không nên đa nghi. Có thể có những khách hàng bán hạ giá để còn hy vọng bán nhiều hơn. Đó chính là họ lấy lãi suất thấp nhưng bán được nhiều hàng thì lợi nhận tuyệt đối cao. Ngược lại, nếu quá tin cũng là điều nên tránh. Như trường hợp một công ty mua năm 5 xe tải cũ. Hợp đồng ghi chất lượng 80%, thế nào là 80%? Thậm chí điều 10 trong hợp đồng còn ghi: “Kết quả kiểm nghiệm do người bán tiến hành trước khi xếp hàng lên tàu là cuối cùng”. Hậu quả là xe tải xấu, chỉ còn khoảng 60% chất lượng và tại sao lại giao cho người bán kiểm tra chất lượng ???. Đúng ra phải ghi rõ chất lượng xe gồm: gầm xe, vỏ xe, động cơ,… Qua đây cũng có thể thấy được rằng chữ “tín” phải là mối quan hệ lâu dài, có cơ sở và đảm bảo.

2. Tiêu chí xác định phẩm chất của hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương:

- Quy định phẩm chất hàng hóa giống mẫu cho trước:

Đây là cách quy định phẩm chất quy cách hàng hóa mau bán phải giống như mẫu hàng cho trước. Tức là mẫu hàng là cơ sở để người bán giao hàng cho đúng, người mua đối chiếu so sánh khi nhận hàng và làm căn cứ để giải quyết tranh chấp về phẩm chất hàng nếu có xảy ra. Đây là tiêu chí có nhược điểm tính chính xác không cao, cho nên chỉ áp dụng để xây dựng những hợp đồng mua bán các hàng hóa mà bằng các giác quan có thể nhận biết tương đối chính xác phẩm cách, quy cách của hàng hóa.

Cách thức tiến hành:

+ Người bán giao mẫu cho người mua để kiểm tra hoặc người mua lập mẫu giao cho người bán nghiên cứu chấp nhận mẫu.

+ Nếu đối tác chấp nhận thì lập ba mẫu: một giao cho người mua, một giao cho người trung gian và một người bán giữ để đối chiếu, giải quyết tranh chấp (nếu có) sau này.

Lưu ý:

+ Mẫu có tính tiền không? Thông thường thì mẫu không có tính tiền, chỉ tính trong trường hợp giá trị mẫu quá cao hoặc số lượng mẫu quá lớn.

+ Cấu tạo mối liên hệ giữa mẫu và hợp đồng bằng các cách khác nhau.

Yêu cầu lấy mẫu: Mẫu phải được rút ra từ chính lô hàng; mẫu phải có phẩm chất trung bình so với cả lô hàng.

- Quy định về phẩm chất dựa vào tiêu chuẩn hàng hóa có sẵn:

Đối với các sản phẩm đã có tiêu chuẩn sẵn thì dựa vào tiêu chuẩn đó để xác định phẩm chất của hàng hóa.

Lưu ý:

Trước khi đưa vào hợp đồng, cần hiểu rõ nội dung của tiêu chuẩn, cần ghi rõ người, nơi, năm ban hành như tiêu chuẩn do nhà nước, ngành hoặc cơ quan sản xuất ban hành hằng năm? Tại đâu?

Có thể sửa đổi một chỉ tiêu trong tiêu chuẩn nếu cần thiết.

Cần phân biệt rõ tiêu chuẩn nào được áp dụng, không nên mập mờ.

- Quy định phẩm chất hàng hóa dựa vào nhãn hiệu:

Nhãn hiệu là những ký hiệu, hình vẽ, hàng chữ được khắc, in trên hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa để phân biệt hàng hóa của nơi sản xuất này với nơi khác sản xuất. Mỗi nhãn hiệu, đặc biệt là những nhãn hiệu có uy tín cao, sẽ có một chất lượng sản phẩm khác nhau, ngay cả khi cùng một loại hàng hóa, thậm chí giá cũng khác nhau. Vì thế, khi mua bán chỉ cần dựa vào nhãn hiệu đó cũng đã xác định được chất lượng hàng hóa.

Lưu ý:

Chỉ mua những loại sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu thì mới có nơi bảo vệ hàng hóa và sản phẩm đó mới được bảo đảm về phẩm chất. Do vậy, khi mua bán hàng hóa cần phải biết:

Nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký chưa? Đăng ký tại thị trường nào? Thị trường mình mua sản phẩm đã có nhãn hiệu này đăng ký hay không?

Năm sản xuất, đợt sản xuất của sản phẩm là khi nào cũng phải được quan tâm vì những sản phẩm được sản xuất ở những thời điểm khác nhau có thể chất lượng và giá cả khác nhau.

Cần phân biết được những nhãn hiệu tương tự. Ví dụ, cùng nhãn hiệu Honda nhưng xe được lắp ráp tại các nước khác nhau thì chất lượng xe chưa chắc đã giống nhau.

- Quy định về chất lượng hàng hóa dựa vào tài liệu kỹ thuật.

Đây là tiêu chí được áp dụng cho thiết bị máy móc, phương tiện vận tải. Đi kèm với hoạt động thường là các phụ kiện hợp đồng như bảng thuyết minh, chỉ dẫn lắp đặt và hướng dẫn vận hành.

- Quy định phẩm chất hàng hóa bằng cách: mô tả hàm lượng các chất chủ yếu quyết định phẩm chất của hàng.

Hàm lượng của chất trong hàng hóa có thể chia làm hai loại:

+ Hàm lượng chất có ích thường được quy định hàm lượng phần trăm tối thiếu.

+ Hàm lượng chất không có ích thường được quy định hàm lượng phần trăm tối đa.

Cách quy định này được áp dụng khi buôn bán nông sản, khoảng sản, thực phẩm chế biến, hóa chất,...

- Quy định phẩm chất dựa vào hiện trường hàng hóa:

Đây là phương pháp mô tả chất lượng hàng hóa "có sao bán vậy" hoặc người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng giao. Trong hợp đồng, cách mô tả này được ghi bằng tiếng anh như "as it is". Quy định chất lượng hàng hóa như vậy thường được áp dụng với trường hợp mua bán đồ cũ, phế liệu và giá bán cũng thường rất thấp.

- Quy định phẩm chất dựa vào sự mô tả hàng hóa:

Trong hợp đồng sẽ nêu tất cả các đặc điểm về hình dạng, màu sắc, kích cỡ, công dụng,..của sản phẩm. Phương pháp này áp dụng được cho mọi sản phẩm có khả năng mô tả được, nhưng hiệu quả của tiêu chí này thì phụ thuộc nhiều vào khả năng của người mô ta. Thông thường phương pháp này được sử dụng kết hợp với tiêu chí khác.

- Xác định phẩm chất dựa vào các tiêu chí đại khái quen dùng:

Tiêu chí này thường được áp dụng khi mua bán một nông sản, nguyên liệu mà phẩm chất của chúng khó được tiêu chuẩn hóa. Trên thị trường thế giới, thường dùng một số chỉ tiêu phòng chừng như FAQ (phẩm chất trung bình khá) và GMQ (phẩm chất tiêu thị tốt).

    5 / 5 ( 1 bình chọn )