Liên minh nghiên cứu và phát triển là gì? Ưu điểm và nhược điểm của liên minh?

Liên minh nghiên cứu và phát triển là gì? Ưu điểm và nhược điểm của liên minh?

Hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra trong đời sống ngày càng sôi động, các doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ dần dần mong muốn đạt được những đích đến từ đó họ có nhu cầu liên kết lại với nhau thành liên minh để giúp đỡ nhau trong từng lĩnh vực cụ thể. Sự liên minh đó gọi là liên minh chiến lược.

1. Liên minh nghiên cứu và phát triển là gì?

1.1. Khái quát về nghiên cứu và phát triển:

Nghiên cứu và phát triển là nội dung cực kỳ quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bản chất của nghiên cứu và phát triển là thực hiện các hoạt động chuyên môn để tới xác định các nội dung cần thiết, mà người ta thường nghe tới nghiên cứu và phát triển thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm,...

Nghiên cứu và phát triển trong Tiếng anh là Research & Development. Thực tế, nghiên cứu và phát triển là hai phạm trù có thể phân tích riêng biệt, tuy nhiên, phát triển ở đây là mục tiêu, cái được hướng đến trên cơ sở nghiên cứu, vì vậy, việc đưa hai yếu tố này lại gần nhau là hợp lý và cần thiết.

Nghiên cứu và phát triển được giải thích là quá trình chuyển đổi các yếu tố đầu vào của hoạt động nghiên cứu phát triển thành các yếu tố đầu ra của nghiên cứu phát triển, trong đó:

- Đầu vào nghiên cứu phát triển bao gồm kiến thức, sự thông minh và sáng tạo của các chủ thể nghiên cứu, lao động nghiên cứu phát triển, chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu và dịch vụ mua ngoài.

- Đầu ra của nghiên cứu phát triển là sự phát triển của vốn kiến thức, công nghệ mới, các phát minh, sáng chế, khả năng nhận thức, lĩnh hội và áp dụng kiến thức mới, sự cải thiện về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khi áp dụng các kiến thức, công nghệ mới hay khai thác các sáng chế.

Tùy theo mục đích nghiên cứu, có thể chia hoạt động động nghiên cứu phát triển thành: R&D cho các hoạt động  kinh doanh hiện tại; R&D cho các hoạt động kinh doanh  mới; R&D cho nghiên cứu thăm dò (exploratory research).

1.2. Liên minh là gì?

Trong các bài viết của Luật Dương Gia đều thống nhất đưa ra quan điểm về liên minh là sự kết hợp của của hai hay nhiều chủ thể để tạo nên một khối thống nhất để cùng đạt được một mục tiêu chung, hay nói cách khác là sự hợp tác để cùng phát triển khi có những lợi ích, nhu cầu tương đồng.

Liên minh giữa các doanh nghiệp là xu hướng trong sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Liên minh bao gồm liên minh liên doanh (2 hay nhiều công ty tham gia cùng nhau, tạo ra một thực thế mới có khả năng kinh doanh độc lập, có bộ máy tổ chức riêng) và liên minh không liên doanh (mục đích và phạm vi hẹp hợp liên minh liên doanh, thời gian liên minh ngắn, không có cơ cấu tổ chức chính thức, thành lập vì mục đích rõ ràng và kết thúc một cách tự nhiên).

1.3. Liên minh nghiên cứu và phát triển là gì?

Trên cơ sở khái niệm về nghiên cứu phát triển và khái niệm về liên minh, có thể hiểu: Liên minh nghiên cứu và phát triển là sự hợp tác của hai hay nhiều doanh nghiệp dưới các hình thức khác nhau để thực hiện quá trình chuyển đổi các yếu tố đầu vào của hoạt động nghiên cứu phát triển thành các yếu tố đầu ra của nghiên cứu phát triển. Thông thường, liên minh nghiên cứu và phát triển được thực hiện thông qua hình thức liên minh không liên doanh, các bên đối tác tiến hành liên minh trên thực tế thông qua các buổi trao đổi, hội thảo hay thăm quan các phòng thí nghiệm của nhau.

Liên minh nghiên cứu và phát triển thường là liên minh tạm thời, tức là liên minh phát triển nhanh chóng với tuổi thọ tương đối ngắn (theo các nhà kinh tế phân tích thì khoảng thời gian 3 năm được tính là chu kỳ của một liên minh tạm thời) khi các bên cùng liên kết những kỹ năng và nguồn lực của mình nhằm tận dụng những cơ hội kinh doanh nhất thời nhưng quan trọng. Cơ hội này có thể là sự tiếp cận thị trường, sự phát triển công nghệ hoặc phát triển sản phẩm mới.

2. Ưu điểm và nhược điểm của liên minh:

Thực tế, việc phân tích về ưu điểm và nhược điểm của hầu hết các liên minh dường như cũng chỉ căn cứ vào bản chất của liên minh, tức là phải trả lời cho câu hỏi: Liên minh thì được gì và mất gì?. Có thể nhận định rằng: liên minh thực sự mang lại hiệu quả, vì vậy mà liên minh giữa các doanh nghiệp trong nước hay đa quốc gia trở thành xu hướng phát triển cho hiện tại và tương lai.

2.1. Ưu điểm của liên minh nghiên cứu và phát triển:

Việc tham gia liên minh chiến lược đồng nghĩa với việc các bên sẽ phải chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng… thậm chí cả lợi nhuận. Nhưng các doanh nghiệp vẫn muốn thành lập các liên minh chiến lược bởi vì các liên minh này luôn mang lại những lợi ích nhất định cho các bên tham gia. Có thể kể đến một số lợi ích đặc trưng như sau:

- Khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô: Hình thức liên minh khai thác lợi thế kinh tế theo quy mô được lý giải như sau: nếu các công ty chỉ hoạt động một cách độc lập riêng rẽ thì quy mô nghiên cứu của nó không đủ lớn để có thể giảm được chi phí tức là đạt được lợi thế này. Trong khi đó, nếu liên kết nguồn lực, tài sản của các công ty lại với nhau để cùng phát triển, nghiên cứu hoặc thực hiện hoạt động liên quan thì chi phí trên một đơn vị sản phẩm lúc này có thể sẽ thấp hơn với trường hợp hoạt động một cách độc lập riêng rẽ vì lúc này quy mô sản xuất tăng lên cùng với tích luỹ tài sản, nguồn lực.

- Học hỏi từ các đối tác trong liên minh: Khi tham gia liên minh, các công ty có thể học hỏi các kỹ năng và khả năng quan trọng từ các đối tác của mình thông qua những cam kết về chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ... Liên minh được coi là cách tốt nhất để một đối tác học hỏi từ đối tác khác về việc cạnh tranh như thế nào, tổ chức quản lý ra sao, bằng cách nào để khai thác lợi thế cạnh tranh và làm thế nào để thích nghi với các thị trường mới đặc biệt là thị trường nước ngoài...

- Hợp tác giúp chuyên môn hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển: Mỗi thành viên tham gia liên minh đều có những thế mạnh nhất định trong một hoặc một số hoạt động nào đó và việc hình thành liên minh sẽ cho phép các thành viên này tập trung vào các hoạt động phù hợp nhất với năng lực cũng như nguồn lực của mình, tạo ra sự cộng hưởng và là đòn bẩy sức mạnh cho toàn liên minh.

- Tạo cơ hội mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới: Tất nhiên việc hình thành các liên minh chiến lược thường làm nổi bật và tập trung vào những lĩnh vực mà các bên có lợi thế nhằm đạt được mục tiêu chung với kết quả cao nhất. Nhưng ngoài ra, thông qua liên minh chiến lược, các công ty có cơ hội được thâm nhập vào một ngành kinh doanh mới hoặc một phân đoạn nào đó của ngành đòi hỏi những kỹ năng, khả năng và sản phẩm mà khi gia nhập ngành này, thành viên đó không sẵn có, bằng cách tận dụng các yếu tố trên của các đối tác chiến lược trong liên minh,

2.2. Nhược điểm của liên minh nghiên cứu và phát triển:

Các nhược điểm của liên minh nghiên cứu và phát triển một phần phụ thuộc vào hình thức liên minh giữa các doanh nghiệp, nếu là liên minh tạm thời thì liên minh nghiên cứu và phát triển thực sự có khả năng tồn tại các hạn chế nhất định, chẳng hạn:

- Liên minh nghiên cứu và phát triển có khả năng làm mất đi các giá trị độc quyền và bí mật trong quá trình nghiên cứu. Bởi trong quá trình liên minh, không tính đến nguyên nhân chủ quan hay khách quan, nhưng việc lộ bí mật là điều có thể xảy ra và các bên phải có sự thỏa thuận cần thiết để giải quyết vấn đề nan giải này.

- Liên minh nghiên cứu và phát triển tạm thời sẽ có thể dẫn đến những rối ren nhất định do không có một cơ chế hoạt động cụ thể và một cơ cấu tổ chức quản lý và dẫn dắt, chủ yếu hoạt động dựa trên sự thỏa thuận, đàm phán giữa các bên

- Liên minh nghiên cứu và phát triển làm phát sinh các rủi ro về sự lệ thuộc quá mức vào nhau hoặc không tương thích giữa các đối tác, dẫn đến các bên không đạt được lợi ích mà mình mong muốn, đồng thời, cũng dễ bị chảy máu chất xám.

- Việc liên minh cũng đặt ra những rủi ro về tài chính do sự phân chia lợi nhuận hoặc chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, thực tế thì các nhược điểm này có thể được khắc phục ở một chừng mực nào đó, điều quan trọng là các bên phải lựa chọn đúng đối tác, phải có những nét tương đồng trong mục tiêu hoạt động. Đồng thời, cần một lần nữa nhận định rằng, so với những ưu điểm vượt bậc về liên minh nghiên cứu và phát triển thì các nhược điểm này hoàn toàn có thể bị "loại bỏ" nếu các bên biết cách phát huy ưu điểm của liên minh.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )