Hình thức trả công theo sản phẩm là gì? Điều kiện áp dụng

Hình thức trả công theo sản phẩm là gì? Điều kiện áp dụng hình thức trả công theo sản phẩm? Các hình thức trả lương theo sản phẩm?

Hiện nay ta thấy hình thức trả công theo sản phẩm là hình thức hiện nay được rất nhiều các doanh nghiệp áp dụng, theo đó người lao động sẽ được hưởng tiền lương dựa trên số lượng sản phẩm thu được.

1. Hình thức trả công theo sản phẩm là gì?

Hình thức trả công theo sản phẩm trong tiếng Anh được gọi là Piece wage system.

Trong hình thức này, tiền công của người lao động sẽ phụ thuộc trực tiếp vào số lượng đơn vị sản phẩm được sản xuất ra và đơn giá trả công cho một đơn vị sản phẩm.

TC = ĐG x Qtt

Trong đó:

TC: Tiền công

ĐG: Đơn giá

Qtt: Số lượng sản phẩm thực tế

Đơn giá được tính bằng cách chia mức lương giờ của công việc cho số đơn vị sản phẩm định mức mà người lao động có nghĩa vụ phải sản xuất trong một giờ hoặc nhân mức lương giờ của công việc với số giờ định mức để sản xuất được một đơn vị sản phẩm.

2. Điều kiện áp dụng hình thức trả công theo sản phẩm:

Ưu điểm và hạn chế

- Ưu điểm của trả công theo sản phẩm là có tác dụng khuyến khích tài chính đối với người lao động, thúc đẩy họ nâng cao năng suất lao động, đặc biệt đối với những người có mong muốn mạnh mẽ nâng cao thu nhập, vì lượng tiền công mà họ nhận được phụ thuộc trực tiếp vào lượng sản phẩm của họ.

Việc tính toán tiền công cũng đơn giản và có thể được giải thích dễ dàng đối với người lao động.

- Hạn chế: trả công theo sản phẩm có thể dẫn tới tình trạng người lao động ít quan tâm đến đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu và sử dụng hợp lí máy móc, thiết bị.

Nhiều trường hợp người lao động không muốn làm những công việc đòi hỏi trình độ lành nghề cao vì khó vượt mức lao động.

Trong những giờ ngừng việc do lí do về phía doanh nghiệp như: dây truyền bị ngừng trệ, thiếu nguyên vật liệu hoặc nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng, máy móc thiết bị hỏng, mất điện...

Người lao động được hưởng tiền công theo thời gian hoặc một lượng tiền bằng với mức tiền công sản phẩm trung bình mà đáng ra họ có thể kiếm được trong khoảng thời gian đó.

Điều kiện áp dụng

Do các nhược điểm đó nên tiền công theo sản phẩm chỉ phù hợp với những công việc mà ở đó dây truyền sản xuất đảm bảo được liên tục, các công việc có thể định mức được, có tính lặp đi lặp lại và không đòi hỏi trình độ lành nghề cao

Năng suất lao động phụ thuộc chủ yếu vào sự nỗ lực của người lao động và việc tăng năng suất không gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng của sản phẩm.

Để đảm bảo tác dụng khuyến khích đối với người lao động và hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp, khi tiến hành trả công theo sản phẩm cần có những điều kiện cơ bản sau:

- Phải xây dựng được các mức lao động có căn cứ khoa học để tạo điều kiện tính toán các đơn giá trả công chính xác

- Tổ chức và phục vụ tốt nơi làm việc để hạn chế tối đa thời gian ngừng việc, tạo điều kiện để người lao động hoàn thành và hoàn thành vượt mức lao động

- Thực hiện tốt công tác thống kê, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm được sản xuất ra vì thu nhập của người lao động phụ thuộc vào số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đã sản xuất ra và đơn giá

- Làm tốt công tác giáo dục ý thức trách nhiệm và đánh giá thực hiện công việc đối với người lao động để tránh khuynh hướng chỉ chú ý tới số lượng mà không chú ý tới chất lượng sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị.

3. Các hình thức trả lương theo sản phẩm:

3.1  Trả lương sản phẩm trực tiếp không hạn chế:

Cách trả lương này là một hình thức đánh giá đúng đắn nhất sức lao động đã hao phí, người lao động làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Điều đó sẽ khuyến khích lao động làm việc hăng say hơn, quan tâm đến chất lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn. Song bên cạnh đó, nó cũng có những mặt hạn chế đó là vì nó có tính độc lập cao nên người lao động dễ trở nên thụ động nếu phải chuyển sang làm công việc khác và dễ nảy sinh tính ích kỷ công việc.

Ví dụ:

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang trong tháng 6 năm 2015 sản xuất hoàn thành 40 sản phẩm A, 50 sản phẩm B. Bảng đơn giá tiền lương của công ty là 50.000 đồng/sản phẩm A và 35.000 đồng/sản phẩm B. Vậy trong tháng 6 năm 2015 bà Trang được hưởng lương như sau:

Lương sản phẩm = (40 x 50.000) + (50 x 35.000) = 3.750.000 đồng

3.2 Trả lương sản phẩm gián tiếp:

Lương sản phẩm gián tiếp là tiền lương trả cho công nhân gián tiếp cùng tham gia hoạt động sản xuất với công nhân trực tiếp sản xuất đã hưởng lương theo sản phẩm được xác định căn cứ vào hệ số giữa mức lương của công nhân phụ sản xuất ra với sản lượng sản phẩm đã định mức cho công nhân trực tiếp và nhân với sản phẩm công nhân trực tiếp sản xuất ra hoặc trên cơ sở thang lương và bậc lương của công nhân phụ trả theo tỉ lệ phần trăm hoàn thành các định mức sản xuất quy định cho công nhân trực tiếp. Nghĩa là phải căn cứ vào sản lượng định mức và mức độ hoàn thành định mức của công nhân trực tiếp mà tính theo công nhân gián tiếp.

Ưu điểm của cách tính này là khuyến khích người lao động phụ phải quan tâm phục vụ cho công nhân trực tiếp sản xuất bởi thu nhập của họ phụ thuộc vào người lao động chính. Tiền lương trả cho người lao động gián tiếp phụ thuộc nhiều vào trình độ của người lao động chính cho dù người lao động phụ có hoàn thành công việc của mình đến đâu. Từ đó, chúng ta thấy đây là hình thức trả lương chưa thật chính xác và chưa được hoàn hảo. Nó sẽ là một hình thức trả lương tốt nếu cả hai người lao động chính và phụ có sự ăn ý với nhau, cùng chuyên tâm hết sức mình cho công việc, cùng hợp tác và có trách nhiệm với nhau trong sản xuất kinh doanh nhưng ngược lại, nó sẽ không tốt nếu chỉ cần một trong hai người đi ngược quyền lợi với nhau, có sự ghen ghét thù hận, đố kị với nhau.

3.3. Trả lương theo sản phẩm có thưởng, có phạt:

Lương sản phẩm có thưởng có phạt là tiền lương trả theo sản phẩm kết hợp với chế độ tiền thưởng trong sản xuất như nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, giảm tỉ lệ hàng hư hỏng…

Tiền lương trả người lao động căn cứ vào số lượng sản phẩm đã sản xuất ra theo đơn giá mỗi đơn vị sản phẩm, kết hợp với một hình thức tiền thưởng khi hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra.

Ngoài ra trường hợp người lao động làm ra sản phẩm hư hỏng gây lãng phí nguyên vật liệu, chất lượng sản phẩm không đảm bảo và ngày công lao động không đủ so với quy định thì người lao động có thể bị phạt và khi đó tiền lương theo sản phẩm trực tiếp phải trừ đi khoản tiền phạt.

3.4. Trả tiền lương theo sản phẩm luỹ tiến:

Tiền lương sản phẩm luỹ tiến áp dụng như sau: Ngoài tiền lương theo sản phẩm trực tiếp còn căn cứ vào mức độ hoàn thành một định mức lao động để tính thêm một số tiền lương theo tỷ lệ luỹ tiến. Số lượng sản phẩm vượt định mức càng cao thì tiền lương tính thêm càng nhiều.

Tiền lương phải trả công nhân viên theo hình thức này được tính như sau: Lấy số lượng sản phẩm hoàn thành trong định mức nhân với đơn giá tiền lương định mức cộng số lượng sản phẩm vượt định mức nhân với đơn giá tiền lương luỹ tiến quy định.

Lương trả theo sản phẩm luỹ tiến có tác dụng khuyến khích nâng cao năng suất lao động nhưng chỉ nên áp dụng trong trường hợp đối với những công việc hoàn thành đúng thời hạn, hoặc hoàn thành trong một thời gian ngắn, nhìn chung chỉ nên áp dụng khi doanh nghiệp cần hoàn thành gấp một đơn đặt hàng nào đó. Bên cạnh đó hình thức trả lương này có nhược điểm là làm tăng chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp vì vậy sẽ giảm lợi nhuận. Từ đó chúng ta thấy nếu trong trường hợp không cần thiết thì không nên áp dụng hình thức này. Nếu khi áp dụng không tổ chức quản lý tốt dễ gây ra hiện tượng mức tăng tiền lương bình quân lớn hơn tốc độ tăng năng suất lao động, điều này sẽ làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh kém đi.

Như vậy hình thức tiền lương sản phẩm rất có ưu điểm đó là đảm bảo được nguyên tắc phân phối theo lao động, tiền lương gắn chặt với số lượng, chất lượng lao động do đó kích thích người lao động quan tâm dến kết quả lao động và chất lượng lao động của mình thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm cho xã hội. Vì vậy hình thức tiền lương sản phẩm được áp dụng rộng rãi.

3.5. Hình thức trả lương khoán:

Đây là hình thức trả lương cho người lao động theo khối lượng công việc và chất lượng công vệc mà họ hoàn thành.

Hình thức này được áp dụng trong trường hợp không định mức chi tiết hay định mức không chính xác, những công việc đòi hỏi một khối lượng công việc tập hợp nhiều loại công việc khác nhau và yêu cầu thời gian hoàn thành theo đúng thời hạn.

Cách tính tiền lương khoán của cả nhóm phụ thuộc vào giá trị hợp đồng khoán và khi chia lương cho từng người lao động có thể áp dụng hai phương pháp đó là chia theo hệ số chênh lệch giữa tiền lương thời gian và tiền lương sản phẩm hoặc chia theo thời gian làm việc thực tế và hệ số lương.

Theo hình thức này chúng ta thấy có một số ưu điểm như: Người lao động biết trước được số tiền lương khi hoàn thành công việc, thời gian phải hoàn thành công việc đó. Người lao động sẽ tự chủ được thời gian và tiến độ công việc. Còn đối với người giao khoán thì sẽ yên tâm về thời gian hoàn thành công việc mà họ đã giao cho người nhận khoán. Nhưng bên cạnh đó hình thức trả lương này còn chứa đựng không ít nhược điểm. Hình thức này dễ gây ra hiện tượng làm bừa, làm ẩu không đảm bảo chất lượng công việc, không đạt được yêu cầu như đã đề ra. Do vậy công tác nghiệm thu công việc, sản phẩm cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ, có hệ thống, đầy đủ, chính xác. Hai bên giao khoán và người nhận khoán cần có quy chế rõ ràng để ràng buộc lẫn nhau về cả mặt kinh tế cũng như về mặt pháp luật nhằm tránh hiện tượng làm ảnh hưởng đén quyền lợi của nhau, cả hai bên đều phải xem lợi ích của người bên kia là lợi ích của mình để từ đó sẽ làm việc tốt hơn, có trách nhiệm với công việc hơn.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )