Dịch vụ xuất nhập khẩu là gì? Lợi ích của dịch vụ xuất nhập khẩu?

Dịch vụ xuất nhập khẩu là gì? Lợi ích của dịch vụ xuất nhập khẩu?

Sự phát triển của giao lưu buôn bán ngoại thương đã dẫn đến cơ chế pháp luật về xuất nhập khẩu cũng có phần thông thoáng hơn, trong đó, pháp luật cho phép sự hình thành của các đơn vị dịch vụ xuất nhập khẩu. Đây là các doanh nghiệp hoạt động chuyên môn, tìm kiếm lợi nhuận thông qua hoạt động với các khách hàng cần sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu. Dịch vụ xuất nhập khẩu đã, đang và sẽ trở thành dịch vụ phát triển tại Việt Nam.

1. Dịch vụ xuất nhập khẩu là gì?

1.1. Khái quát về hoạt động xuất nhập khẩu:

Hoạt động xuất nhập khẩu được thực hiện với nhiều hoạt động nghiệp vụ, nhiều khâu từ điều tra thị trường nước ngoài, lựa chọn hàng hóa xuất nhập khẩu, thương nhân giao dịch, các bước tiến hành giao dịch đàm phán, kí kết hợp đồng thực hiện hợp đồng cho đến khi hàng hóa chuyển đến cảng, chuyển giao quyền sở hữu cho người mua, hoàn thành các thanh toán. Mỗi khâu, mỗi nghiệp vụ này phải được nghiên cứu kỹ và thực hiện đầy đủ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất.

Người tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần phải nắm bắt được những thông tin cơ bản về nhu cầu hàng hóa, thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng biến động của nó.

Hoạt động xuất nhập khẩu mang những đặc điểm sau:

- Thời gian lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bao giờ cũng dài hơn so với thời gian lưu chuyển hàng hóa trong nội địa. Kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu chỉ xác định khi hàng hóa đã luân chuyển được một vòng hay khi đã thực hiện xong một thương vụ ngoại thương, có thể bao gồm hoạt động xuất khẩu hay hoạt động nhập khẩu.

- Hàng hóa kinh doanh xuất nhập khẩu:bao gồm nhiều loại trong đó xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng thế mạnh trong nước ( rau quả tươi, mây tre đan, thủ công mĩ nghệ…) còn nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa cung ứng đủ về số lượng, chất lượng, thị hiếu…

- Phương thức thanh toán trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu chủ yếu được sử dụng là phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng.

- Pháp luật: hai bên mua và bán phải tuân thủ luật kinh doanh của từng nước và luật thương mại quốc tế.

1.2. Định nghĩa dịch vụ xuất nhập khẩu:

Dịch vụ xuất nhập khẩu là tổng hợp các dịch vụ liên quan đến ngoại thương như thanh toán qua ngân hàng, vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm hàng hải, xin giấy phép xuất nhập khẩu, kiểm dịch, công bố sản phẩm, kiểm tra chất lượng, kiểm định đăng kiểm; giám định, hồ sơ đối với giấy chứng nhận xuất xứ (CO)… do nhà cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu thay mặt người sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu đảm nhận và thực hiện ..

Với gói dịch vụ xuất nhập khẩu, quá trình xuất nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn và tiết kiệm tối đa chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Dịch vụ xuất nhập khẩu là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới một cách dễ dàng, nhanh chóng và tự tin.

Dịch vụ xuất nhập khẩu tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:

-  Dịch vụ Xuất Nhập Khẩu kinh doanh thương mại.

-  Dịch vụ Tạm nhập – Tái xuất, Tạm xuất – Tái nhập.

-  Dịch vụ Xuất Nhập Khẩu đầu tư có thuế hoặc miễn thuế.

-  Dịch vụ Xuất Nhập Khẩu đối với hàng gia công.

-  Dịch vụ Nhập Khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng Xuất khẩu.

-  Dịch vụ Xuất nhập khẩu phi mậu dịch ( hàng cho, tặng, viện trợ, đặc biệt…).

Dịch vụ xuất nhập khẩu ngày càng hoàn thiện và các đơn vị kinh doanh dịch vụ hướng đến việc thực hiện dịch vụ xuất nhập khẩu trọn gói- Ðó sẽ là sự kết hợp của các sản phẩm dịch vụ khác nhau: dịch vụ vận tải hàng hoá, dịch vụ bảo hiểm hàng hoá, dịch vụ kê khai hải quan và dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Những dịch vụ này tuy là những sản phẩm riêng lẻ hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau nhưng có cùng chung vai trò là phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

2. Lợi ích của dịch vụ xuất nhập khẩu:

Hoạt động xuất nhập khẩu giúp các quốc gia đạt hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng trong nước, tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ hơn từ nước khác, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của mình..Đó chính là vai trò to lớn của hoạt động xuất nhập khẩu. Hơn nữa nhập khẩu trang thiết bị, máy móc kỹ thuật hiên đại còn thúc đẩy quá trình sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và còn nâng cao chất lượng sản xuất hàng xuất khẩu. Xuất khẩu tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xuất khẩu là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế của đất nước. − Nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu…đang rất cần đổi mới, bên cạnh đó tiềm lực xuất khẩu lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Do vậy hoạt động xuất nhập khẩu đối với nước ta càng quan trọng hơn.

Lợi ích của việc sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu chủ yếu nghiêng về phía doanh nghiệp (khách hàng sử dụng dịch vụ): Doanh nghiệp được tư vấn về mọi mặt, chẳng hạn như dịch vụ vận tải, bảo hiểm, được cung cấp thông tin đáng tin cậy về thị trường, về đối tác và đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương. Ðiều này sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhân công do không cần bộ phận chuyên trách làm công việc này, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa nắm rõ hết tính phức tạp của thủ tục hải quan, hiểu biết về các sản phẩm bảo hiểm, thị trường bảo hiểm, thủ tục phức tạp trong việc thuê tàu… Do đó, doanh nghiệp sẽ không mất nhiều thời gian thực hiện hợp đồng mà có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh, lập ra những kế hoạch tìm đối tác và ký kết hợp đồng mới. Vừa có thể thực hiện hợp đồng nhanh, hiệu quả và không mất nhiều thời gian. Ðây là lợi ích lớn nhất mang lại cho doanh nghiệp.

Hiện nay, số lượng các công ty giao nhận Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Từ một vài doanh nghiệp giao nhận quốc doanh đầu thập niên 1990, nay đã có hơn 2.000 công ty giao nhận hoạt động từ Bắc, Trung, Nam. Trong số đó không ít các công ty cũng đã triển khai dịch vụ XNK trọn gói. Họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, giao nhận hàng hoá và sản phẩm trong gói dịch vụ cũng rất đa dạng. Cụ thể bao gồm tư vấn hoặc đại diện khách hàng tìm kiếm nguồn hàng, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng ngoại thương với các điều kiện hợp đồng và giá cả tốt nhất; thanh toán quốc tế (mở L/C, TTR hoặc thanh toán trực tiếp...); theo dõi hàng đến hoặc đi trong quá trình XNK; xin các loại giấy phép tùy theo mặt hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu; đặt, thuê container, thuê tàu, làm vận đơn (bill) cho hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu; tư vấn xác định giá khai báo hải quan, tính chính xác các loại thuế phải nộp; chuẩn bị hồ sơ và tiến hành thủ tục hải quan theo đúng quy định; tiến hành các thủ tục đăng kiểm, kiểm tra chất lượng, giám định,...; thông quan hàng hóa và vận chuyển hàng về kho theo yêu cầu đối với hàng nhập khẩu; chuyển tải, tham vấn giá, làm tờ khai nguồn gốc (đối với ô tô, xe máy, máy công trình...); mua bảo hiểm hàng hóa nhằm phòng tránh rủi ro trong quá trình xuất khẩu, nhập khẩu; tư vấn, lập dự toán chính xác các loại chi phí (có hóa đơn và không có hóa đơn): giúp doanh nghiệp tính được tổng chi phí của lô hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu để có thể quyết định giá mua hoặc giá bán hàng hóa…

Để dịch vụ xuất nhập khẩu phát triển trong tương lai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch phải tiến hành đa dạng hóa các sản phẩm cần tập trung theo hướng: Phát triển dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về thị trường, đối tác, lựa chọn phương thức và điều kiện thanh toán… Cần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức giao nhận và công ty bảo hiểm lớn nhỏ trong nước và nước ngoài, tạo mối quan hệ lâu dài để cùng hợp tác phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay đổi phương thức giao, nhận hàng để đưa hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng. Khi có sự hợp tác thì những thay đổi trong phương thức giao, nhận hàng được tư vấn, hỗ trợ và vượt qua, chắc chắn rằng, “mua FOB, bán CIF” sẽ trở thành phổ biến và thị phần bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được “trả lại” cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu, kinh doanh logicstic cũng sẽ tăng lên.

Đồng thời việc tuyển dụng nguồn nhân lực đủ năng lực, trình độ chuyên môn, am hiểu nghiệp vụ là điều cần thiết, muốn vậy các doanh nghiệp phải tập trung chú ý để chọn lọc từ khâu tuyển dụng và trong quá trình hoạt động cần tổ chức tốt việc đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ phụ trách công việc liên quan đến dịch vụ xuất nhập khẩu.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )